THỬ
TÌM MỘT QUAN NIỆM
VỀ TÍNH HIỆN ĐẠI VÀ TÍNH DÂN TỘC
TRONG KIẾN TRÚC
TẠ MỸ DUẬT - 1979
Nói đến tính hiện đại trong xây dựng trước hết là vấn đề của nhận thức, phải xuất phát từ những quan niệm của chủ nghĩa Mác – Lênin về nghệ thuật.
Một trong những đặc điểm của nền kiến trúc hiện đại là quan niệm về sự chiếu thẳng của con người đối với thế giới tự nhiên thế giới vật chất, mang lại lợi ích cao nhất cho đời sống con người với những cảm xúc nghệ thuật cao thượng và đẹp đẽ.
Kiến trúc có hai mặt vừa là khoa học kỹ thuật vừa là sáng tác nghệ thuật. Tính hiện đại trong kiến trúc là bắt nguồn từ cơ sở khoa học kỹ thuật tiên tiến của thời đại. Ngày nay với những ưu thế của kỹ thuật cho phép ta thiết kế theo một phong cách khác xưa. Ta có thể xây những mái vòm vỏ mỏng vượt khâu độ hàng trăm mét, không cần hàng cột chống đỡ như trước, một sức nặng khổng lồ có thể đè lên trên một khối vật chất dường như rất mỏng manh. Lịch sử kiến trúc chứng minh: mỗi sự thay đổi về vật liệu và kỹ thuật xây dựng thường giúp cho việc hình thành một phong cách kiến trúc mới. Xây dựng bằng những vật liệu chắc nịch, tường dày, cột mập… thì một khung cảnh kiến trúc nguy nga đồ sộ thường tạo nên một hình dáng vững vàng trong cốt cách nặng nề. Ngày nay kiến trúc sử dụng vật liệu rắn chắc và nhẹ, có những biện pháp kỹ thuật mới thì khung cảnh đồ sộ và nguy nga kia có thể có hình dáng nhẹ nhàng mà vẫn vững chắc. Như vậy là sự thay đổi về vật liệu xây dựng và kỹ thuật là một yếu tố bên cạnh yếu tố xã hội và thiên nhiên, lịch sử để một phong cách mới có thể thành hình.
Tính hiện đại bao giờ cũng cần với tính lịch sử cụ thể. Trong quá khứ, cũng vì do điều kiện hạn chế về nguyên vật liệu, về kỹ thuật, sự chống đỡ của kiến trúc đối với thiên nhiên còn bị giới hạn, nghệ thuật biểu hiện thiên về trang trí. Trong sự trang trí đó, con người thường biểu thị nhận thức và cách giải thích về thế giới của mình, vì thế đặc trưng của hình tượng kiến trúc xưa kia chẳng những của ta, mà của các nước trên thế giới thường là những hoa văn, trạm trổ điêu khắc: hàng cột Hy Lạp, mái cuốn La Mã, tháp củ hành trong kiến trúc Nga, con rồng, con phượng trong kiến trúc cổ Trung Quốc, Việt Nam v.v…
Ngày nay những thay đổi lớn đã đem lại được do cuộc cách mạng trong quan hệ sản xuất mới, cách mạng khoa học và kỹ thuật và trình độ văn hóa và tư tưởng, tình hình đó đã làm cho kiến trúc có những chuyển biến cơ bản cuộc sống mới, dân chủ và tập thể đang đòi hỏi những công trình quy mô lớn, phục vụ nền sản xuất lớn và đời sống con người trong thời đại mới. Trước yêu cầu và khả năng công nghiệp hóa ngành xây dựng để thỏa mãn nhu cầu của hàng ngàn, hàng vạn con người, thì việc xây dựng hàng loạt và đơn giản hóa hình thức kiến trúc lại càng là những khả năng hiện thực.
Kiến trúc hiện đại thể hiện sự chinh phục của con người đối với tự nhiên, vì thế các hình tượng thường được biểu hiện rất thanh thoát, khỏe mạnh, giảm nhẹ sự trang trí và thường được biểu hiện bởi bản thân hình tượng, nó thể hiện niềm tự hào và tự tin của con người.
Chúng ta phân biệt tính hiện đại chân chính của nghệ thuật với các thứ “chủ nghĩa” như chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa cơ khí, chủ nghĩa kết cấu để phô trương kỹ thuật, phô trương vật liệu, chủ nghĩa quốc tế, nhìn ngôi nhà nặng và như một “máy để ở” v.v… Đó chỉ là tính cách một trào lưu nghệ thuật chủ nghĩa hình thức cực đoan, sản phẩm của sự khủng hoảng về tư tưởng ở các nước phương Tây. Chúng ta cũng không quan niệm hiện đai là đi tìm những cái phi thường xa lạ với thực tế cuộc sống. Kiến trúc bao giờ cũng hướng về thực tiễn, về cái có ích đối với đời sống xã hội, nó chống lại sự trang hoàng có tính chất phô trương. Cái hiện đại chính là cái đơn giản một cách nhuần nhị phản ánh được đặc trưng của thời đại.
Gần đây một số công trình mới mọc lên ở thủ đô các nước ở một số nơi đã nêu lên được tính cách thanh thoát, đường nét gọn nhẹ và có xu hướng lành mạnh. Song còn một số công trình cũng khá cầu kỳ rậm rạp. Có những công trình tạo nên những hình khối nhấp nhô không cần thiết chắp nhặt các thứ chi tiết làm cho kiến trúc mất phong cách trong sáng. Thời đại ngày nay trên con đường khoa học kỹ thuật mới đang phát triển hết sức rộng rãi và quy mô lớn, những trang trí rườm rà, vụn vặt, những biện pháp kiến trúc “độc đáo” tân kỳ đều là những trở ngại trực tiếp cho việc phản ánh kiến trúc trong thời đại mà con người với những khả năng mới đang tạo nên môi trường tốt đẹp nhất cho đời sống và vươn lên một cách trong sáng. Chúng ta vẫn có thể và cần phải tiếp thu thành tựu của khoa học kỹ thuật thế giới vì đây là sản phẩm của lao động và trí óc qua nhiều thế hệ, điều đó cũng đảm bảo cho ta một phạm vi rộng lớn để sáng tạo. Chúng ta cũng không nhất thiết bị kiến trúc quá khứ chi phối triệt để. Cho nên vấn đề lớn gắn chặt với tất cả các yêu cầu trong kiến trúc ngày nay là thể hiện lên những gì phù hợp với dân tộc ta với đất nước và con người.
Khi nói về tính dân tộc chúng tôi cho rằng vấn đề tính dân tộc trước hết phải là vấn đề của nhận thức, của sự xây dựng một quan niệm đúng đắn phù hợp với tinh thần của mỹ học Mác – xít. Những hình khối, đường nét, bố cục chỉ là những kết quả của một nhận thức. Có một nhận thức đúng rồi còn tùy thuộc cả vào khả năng sáng tạo của người thiết kế.
Tính dân tộc cũng nằm trong tính lịch sử cụ thể; nó được hình thành lên cũng là do đời sống cụ thể và thay đổi cùng với đời sống. Trong một thời đại nhất định cái mái ngói lớn uốn cong dựng trên một hàng cột thấp, đã từng trở thành một phong cách kiến trúc ở ta, nhưng phong cách đó cũng là một phạm trù lịch sử, nó ra đời trong điều kiện kỹ thuật và nguyên vật liệu còn có những hạn chế. Cố nhiên là trong kiến trúc mới những khả năng tích cực của phong cách này – phong cách kiến trúc có chiều rộng nhiều hơn kiến trúc có chiều cao – vẫn còn được kế thừa, và phát huy trong những điều kiện cho phép. Song không nhất thiết nó phải là biểu trưng duy nhất của tính dân tộc. Những ngôi nhà ở của ta trước kia chỉ là thấp tầng, nhưng nay chúng ta có thể làm cao lên 5 – 7 tầng và nhiều hơn nữa. Nhu cầu thích dụng cũng thay đổi theo hoàn cảnh xã hội. Không gian của ngôi nhà để ở, của hội trường để hội họp khác với không gian xưa kia của ngôi nhà ở, và của đình quán v.v… Quan niệm về cái đẹp cũng không phải là không thay đổi.
Trong thời đại chúng ta, tính dân tộc không nhất thiết nằm trong khuôn khổ của những gì vốn có. Bên cạnh cái trường tồn tính dân tộc có những cái đã trở về dĩ vãng và cũng có những cái đang hình thành và phát triển, nó phải được hoàn thiện với những ưu thế và đặc điểm tiên tiến của thời đại chúng ta. Tính dân tộc phải tạo ra những cái mới.
Chúng ta không đơn giản cho rằng tính dân tộc trong một hình tượng kiến trúc phải là cái gì “trông vào thấy ngay” hoặc là “chỉ ta mới có” sa vào một quan niệm như thế sẽ không khỏi sơ lược và hẹp hòi. Tính dân tộc thể hiện ở cả hai mặt: kế thừa và phát huy. Kế thừa cho phép ta tiếp thu truyền thống tốt đẹp, những tinh túy trong quá khứ, phát huy cho phép ta sáng tạo. Mặt phát huy gắn với thời đại làm cho tính dân tộc và tính hiện đại có một mối quan hệ mật thiết không thể đối lập với nhau; tính hiện đại phải thể hiện được đặc trưng dân tộc trong thời hiện đại; va tính dân tộc cũng đồng thời là tính dân tộc trong thời hiện tại.Vấn đề “bình cũ rượu mới” trong kiến trúc phải được hiểu theo nguyên tắc đó, mới làm cho sáng tác được nhuần nhị; nếu không sự máy móc đem hình thức cũ chụp lên nội dung mới, sẽ đưa chúng ta rơi vào chỗ phục cổ, phi lịch sử như xưa kia chúng ta thiết kế ngôi nhà mà người ta cho là “mặc áo tây đội khăn xếp”.
Trong khi khai thác tính dân tộc, phải có sàng lọc. Chẳng hạn chúng ta thiết kế bia ghi công các liệt sĩ không nên sắp xếp từng tấm bia theo từng cấp bậc, trước mỗi tấm bia có một bát hương, hình tượng kiến trúc đó gây ấn tượng một bàn thờ hậu trên chùa! Trước đây trong thời kỳ tiền cách mạng đã có những ngôi nhà được xây lên như hiện nay ta còn thấy ở Hà Nội như nhà Khai Trí tiến đức (vừa qua là nhà câu lạc bộ Thống Nhất) nhà ở Phùng Hưng (hiện nay là trụ sở công ty nghĩa trang) hoặc các lăng, bia, mộ trước kia của các dòng họ quan lại, phong kiến v.v… có sự kết hợp, pha tạp đủ các màu sắc kiến trúc đông, tây, kim, cổ đã làm cho kiến trúc mất phong cách thuần nhất trong sáng. Xu hướng này hiện còn tồn tại ở khá nhiều nơi. Thiên hướng tìm tòi vốn cố vị cổ chẳng qua là biểu hiện của chủ nghĩa hình thức một biểu hiện vừa tư duy máy móc, thỏa hiệp với cái cũ, coi cái cũ như một báu vật, rồi bắt cái hiện tại phục tùng hình thức kiến trúc cổ. Cho nên xem xét vấn đề cũng phải xuất phát từ quan điểm lịch sử cụ thể.
Vậy thì về vấn đề khai thác vốn dân tộc có thể xem xét như thế nào. Không thể có những kiểu mẫu, những mô hình chung nêu lên những mỹ thể cố định, cứng nhắc. Hiện thực trong kiến trúc là công trình; phản ánh tính dân tộc trong các công trình, thiết tưởng phải đặt câu hỏi: Tại sao ông cha ta ngày xưa làm như thế này, mà lại không làm như thế khác và ngày nay những gì đặt ra để suy nghĩ về tiếp thu và kế thừa?
Xin nêu một vài thí dụ. Đối với những kiến trúc lớn của ta như dinh thự, đình chùa, miếu mạo v.v… Với cách thức giải quyết có những đường trục minh bạch, rõ ràng, thẳng thắn, vuông vức, để tạo nên một khung cảnh nguy nga, bề thế trang nghiêm, thì đó là bản chất sáng tạo để đời sau suy nghĩ. Chùa Thầy, Bút Tháp, Chùa Keo, Văn Miếu, Chùa Thiên Mụ v.v… toàn bộ hình khối bề thế không gian uyển chuyển từng từng lớp lớp xen lẫn với cỏ cây với mặt gương nước, tất cả tiết tỏa ra một không khí trang nghiêm bề thế nhưng ấm cúng và thân mật đối với con người. Phương pháp thể hiện đã gợi lên một suy nghĩ về hình tượng hóa không gian trong kho tàng kiến trúc.
Kiến trúc của ta gắn chặt rất nhiều với một loại hình nghệ thuật biểu hiện, là nghệ thuật hoa văn, một yếu tố cơ bản của các tác phẩm kiến trúc và nghệ thuật thực dụng. Đó cũng là kết quả lao động của nhân dân lao động đã tạo nên trong đó có sự tập trung khéo léo và trí tuệ của họ. Những hoa văn dân tộc này không phải là để tả thực chim muông, cây cỏ… mà là một biểu hiện của tâm hồn của ước mơ của nhân dân ta về cái đẹp, về hạnh phúc, về thái độ của con người đối với cuộc sống. Tình cảm của họ thể hiện lên ở cách thức sử dụng màu sắc, nhào nặn chất liệu để dựng lên một cốt cách đơn giản, dịu dàng, mộc mạc và thân mật. Nhân dân lao động đã gửi gắm tình cảm của mình qua các ngành nghệ thuật dân gian, như đan lát, thêu thùa, chạm trổ v.v… Đó cũng là những kho tiềm tàng cho sáng tạo.
Sống trong hoàn cảnh đấu tranh với thiên nhiên mưa, bão phũ phàng và gay go không kém với đấu tranh xã hội, người ta đã rèn luyện cho mình đầu óc thực tế. Cách thức giải quyết chỗ ở của họ với các dãy hiên vừa để làm việc, vừa để nghỉ ngơi hóng mát; bức tường, rèm cửa thấm lọc ánh sáng chói chang để chống đỡ cái không khí nóng lạnh thất thường của thời tiết cũng như hoàn cảnh bất trắc của xã hội. Cách xếp đặt các khu dân cư để tương trợ đoàn kết nhau trong lao động và sinh hoạt đó cũng là đặc điểm tạo nên do đời sống cụ thể.
Đi vào nông thôn Việt Nam người ta thấy tiết tỏa ra một không khí ấm cúng thêm thân mật, gần gũi với thiên nhiên. Nhiều người ngoại quốc đi thăm làng mạc của ta đã nói lên cái cảm giác như đi vào một nơi vườn cây. Những thực thể kiến trúc của ta không bao giờ chịu đứng một mình. Cái quán nho nhỏ ở giữa cánh đồng cũng là đứng dưới bóng đa. Các cửa đình, cổng chùa cũng là kết hợp với hồ bán nguyệt. Sự kết hợp và gần gũi với thiên nhiên đây không những là đặc điểm kiến trúc của ta mà cũng là cái hướng của kiến trúc ngày nay trên thế giới. Những kiểu nhà ở “chọc trời” không phải là những ngôi nhà ở lý tưởng. Sống trong các nhà ở cao tầng, xa rời với thiên nhiên người ta đã thấy cần thiết phải để ở các cửa sổ những lọ hoa, chậu cảnh, dây leo v.v… Giả thử chúng ta thiết kế một công viên hoặc một khóm cây xanh trong tiểu khu nhà ở v.v… chúng ta sử dụng những cây cối hoa cỏ tiêu biểu cho hình ảnh của thiên nhiên Việt Nam của không gian và thời gian Việt Nam thể hiện lên hương sắc bốn mùa của đất nước, như vậy chúng ta cũng tạo nên được một hình ảnh nào quen thuộc và gần gũi. Thiên nhiên với tư cách là một đối tượng của nghệ thuật bao giờ cũng gây cho con người những mỹ cảm có tính chất độc lập. Nhưng ông cha ta đã mang những cảm xúc nghệ thuật của mình ra để cải tạo và bổ sung cho thiên nhiên, khiến thiên nhiên trở thành một cái gì không phải chết cứng. Nghệ thuật kiến trúc của ta phải có ý thức trong vấn đề này.
Những tinh hoa trong kiến trúc cũng như trong các ngành văn học nghệ thuật khác đều là những kho tiềm tàng cho sáng tạo trong quá trình thừa kế và phát huy.
Tính dân tộc không những có chiều sâu mà còn đa dạng trong cách biểu hiện và còn phụ thuộc vào sắc thái địa phương. Vừa qua trong dịp thiết kế những công trình ghi công ơn và tưởng niệm liệt sĩ đã có những phương án gợi ý dáng dấp ngôi tháp Chàm, dáng nhà Rông, nhà sàn cách điệu hóa ngôi nhà tám mái Việt Nam v.v… Nhân dân ta ở mỗi nơi trên đất nước do yêu cầu sản xuất và sinh hoạt, do điều kiện thiên nhiên cảnh đẹp của đất nước đã tạo ra môi trường sinh sống mang màu sắc địa phương. Kiến trúc của ta không nên gây ấn tượng ở đâu cũng giống nhau đồng loạt mà cần thể hiện lên phong phú và nhiều hình vẻ. Ở đây có vấn đề đặt ra là chúng ta ở thời đại công nghiệp hóa việc sản xuất hàng loạt có thể dẫn đến “những công trình đơn điệu”. Thiết kế điển hình hóa tất nhiên có ảnh hưởng phần nào đến việc “phóng bút” của người thiết kế. Song thiết kế nào mà chẳng có những quy định về mặt này hay mặt khác để trong khuôn khổ những tiền đề đó, người thiết kế giải đáp những con tính một cách có sáng tạo? Cũng trong một khuôn khổ và điều kiện nhất định, người này giải quyết theo cách này, người kia giải quyết theo cách kia, tùy theo tài năng sáng tạo của mình làm cho dáng dấp, cách điệu, hình khối, đường nét, màu sắc, cùng cây cỏ, khung cảnh chung quanh… của mỗi thiết kế khác nhau.
Chiều sâu của tính dân tộc bao trùm lên rất nhiều phương diện của giải pháp kiến trúc, nó đi từ cái quy hoạch tổng quát đến từng chi tiết nhỏ nhặt, mà mỗi bước đi đều là sáng tạo. Tổng thể hóa những sự sáng tạo ấy sẽ cho ta một dáng dấp quen thuộc, một hình bóng Việt Nam kín đáo và tế nhị. Chúng ta không giới hạn chỗ nào thì có thể hoặc nên thể hiện tính dân tộc, mà ngược lại phải để cho từng chi tiết, từng bộ phận trong điều kiện có thể, đều mang tính dân tộc. Chẳng hạn có những công trình thí dụ một ngôi nhà cao tầng cùng mang một khối tích như nhau, xây ở nơi này, nơi khác, nhưng cách giải quyết khác nhau để tạo nên một hình dáng chung, hinh ảnh bậu cửa, diềm mái, các giải pháp chống đỡ thời tiết, việc sử dụng vật liệu, màu sắc, các mô típ, sự nhịp nhàng, các tiết điệu v.v… từng chi tiết hoa văn, từng bộ phận đều có khả năng biểu hiện một ý nghĩa nhất định và ở mỗi dân tộc đều có những cách biểu hiện riêng. Đây là một loại “chất liệu” để người thiết kế nghiên cứu, khai thác để từ kế thừa mà phát huy.
* Tham luận tại Hội nghị nghiên cứu lý luận lịch sử và phê bình kiến trúc
©
2024
Grid of Vietnamese Modernism