VÀI
SUY NGHĨ VỀ TÍNH HIỆN ĐẠI
VÀ TÍNH DÂN TỘC TRONG SÁNG TÁC KIẾN TRÚC HIỆN NAY
LÊ VĂN LÂN - 1979
Sáng tác một công trình có tính hiện đại cao và tính dân tộc phong phú là một việc khó, đòi hỏi một quá trình lao động nghệ thuật và nắm vững kỹ thuật của người kiến trúc sư, chưa kể đến nhiều tác động có tính chất nghề nghiệp bên ngoài. Trong nhiều trường hợp, ngay đến việc nhìn nhận một công trình đã có, chứa đựng trong đó tính hiện đại và dân tộc thế nào, riêng trong chúng ta không phải đã dễ dàng có những ý kiến giống nhau, chưa nói đến mở rộng đến quần chúng đông đảo.
Trong việc đi tới nhất trí về những cơ sở lý luận và tìm tòi thử nghiệm về tính hiện đại và dân tộc trong kiến trúc, những ý kiến sau đay chỉ xin nêu thêm một vài suy nghĩ chung quanh vấn đề sáng tác trong thời gian hiện nay.
Đất nước chúng ta, vừa qua một cuộc chiến tranh anh dũng và lâu dài. Tuy vậy, vừa đánh giặc, chúng ta vẫn xây dựng, và đã tạo ra được một cơ sở vật chất đáng kể, làm thay đổi bộ mặt nhiều thành phố, khu công nghiệp, thị trấn và nông thôn. Thành tích đã đạt được rất to lớn, nhưng rõ ràng là trong điều kiện mới của đất nước, mọi công trình của chúng ta cần phải được nâng cao hơn nhiều về mặt chất lượng thiết kế và xây dựng, mà năng lực sử dụng cũng như hình ảnh của nó biểu hiện rất nhiều ở tính hiện đại và dân tộc của công trình.
Ngày nay, khi ta nói đến kiến trúc có tính hiện đại, tức là nghĩ đến những giải pháp về quy hoạch thành phố hiện đại, thỏa mãn các điều kiện ở lao động, đi lại, học tập, giải trí, nghỉ ngơi v.v… mà trong đó mỗi công trình xây lên như là một sự nối tiếp giây chuyền công năng chung của thành phố. Riêng với mỗi công trình, thì giây chuyền sử dụng của nó phải hiện đại, có được trang thiết bị hiện đại, kết cấu công trình, vật liệu sử dụng, giải pháp thi công liên tiếp phù hợp với những khả năng công nghiệp hóa. Khối công trình phải được cấu thành từ những không gian chung hiện đại của đô thị. Dáng dấp, đường nét phải mới mẻ và cùng với những yếu tố về giao thông cơ giới, khách bộ hành, tượng đài, bãi để xe, đèn chiếu sáng, các công trình kiến trúc như cây, cỏ, hoa v.v… được giải quyết ở một trình độ cao. Riêng bản thân công trình phải có được sự tổng hợp tốt với các nghệ thuật hội họa điêu khắc v.v… Công trình xây lên phải thỏa mãn được điều kiện sử dụng tiên tiến: một nhà máy thì phải làm ra sản phẩm với năng suất cao, điều kiện làm việc thoải mái, chi phí vận chuyển, bảo quản thấp v.v… Ngôi trường thì phải đáp ứng điều kiện giảng dạy, học tập, thực hành, giải trí v.v… với chất lượng tốt trong những yêu cầu mới của giáo dục, và như vậy ta dễ hình dung về những phương pháp mới, kỹ thuật mới, nội dung mới? cái thời điểm phát triển cao độ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trên thế giới ngày nay.
Tuy vậy thật sai lầm nếu như chúng ta nghĩ hiện đại ở đây bao giờ cũng phải lắp đặt máy móc, có điều khiển tự động, có điều hòa nhiệt độ, kết cấu thì phải thật mới, dùng nhiều thép, chất dẻo v.v… Cái hiện đại trong từng tác phẩm kiến trúc khác với hiện đại nói chung ở chỗ nó đã được người thiết kế chọn và sử dụng một cách ăn khớp với yêu cầu của đối tượng thiết kế trong những hoàn cảnh khách quan cho phép. Ở một công trình này chúng ta phải thiết kế cách âm, làm mát cơ khí, nhưng ở công trình kia thì ta lại cần giải quyết thông thoáng tự nhiên, lắp vào đó thiết bị cơ khí sẽ trở nên kệch cỡm, dở đần. Đừng nghĩ cái gì cũng phải làm được như của nước ngoài mới là hiện đại; tìm được một giải pháp che nắng đơn giản và hiệu quả, phù hợp với điều kiện và ý thích của ta thì tự nó đã là hiện đại hơn cả những thiết bị đắt tiền, điều khiển rắc rối!
Hiện đại trong nhiều trường hợp hầu như là đồng nghĩa với việc cấu tạo và lắp đặt nhiều thiết bị phức tạp, nhưng trong những trường hợp khác lại đồng nghĩa với sự giản đơn, dễ hiểu thoải mái. Hiện nay trong những điều kiện còn hạn chế của nền kinh tế quốc dân, chúng ta còn có những giải pháp thiết kế nhìn xa hơn về khả năng phát triển của công trình trong những thời gian tới, hoặc giả có thể tạo điều kiện để sau này lắp đặt thêm thiết bị mà không phải sửa chữa tốn kém…
Tóm lại ở trong công trình nào, bộ phận nào, chọn giải pháp gì là việc sáng tạo của người thiết kế và điều đó chỉ có thể làm được khi chúng ta kết hợp tốt giữa tính hiện đại và tính dân tộc, cả hai mặt đều được suy nghĩ đồng thời. Vì vậy tính dân tộc đề cập ở đây bản thân nó cũng đã mang tính hiện đại rồi. Người kiến trúc sư chỉ sử dụng được nó khi đã có một trình độ nghề nghiệp nhất định, có một tinh thần thực sự làm chủ đối tượng sáng tác của mình và trên cơ sở một quá trình tích lũy về vốn kiến trúc Việt Nam, hiuer và phân tích những giải pháp, những cấu tạo, những hình thức dân tộc thì mới có sự rung cảm thực sự, một lòng say mê thực sự và lúc đó mới thấy được sự vỗ về và sưởi ấm như hơi thở của thiên nhiên, của cảnh sắc, cây lá, con người Việt Nam… Tràn đầy khí phách như Phù Đổng, hào hùng như tiếng cáo bình Ngô: nhưng cũng lại êm ả, mơn man và ngưng đọng như dân ca, như tiếng ru… Cái hơi thở ấy cũng quyện chặt trong các tranh tượng dân gian, nghệ thuật sành sứ, thổ cẩm, cây cảnh…
Với những thủ pháp khác nhau, chúng ta đi vào khai thác những đặc tính dân tộc trong kiến trúc. Đó là việc khai thác những điều kiện thiên nhiên, khai thác những truyền thống về ăn, ở, giải trí, thưởng thức, thẩm mỹ tâm lý,… Khai thác về cách chọn vật liệu, chọn màu sắc, chọn giải pháp cấu tạo, chọn bố cục, chọn tỷ lệ v.v…
Trên mọi sáng tác của chúng ta, tính dân tộc được biểu hiện có trường hợp ở dáng bên ngoài, chẳng hạn ngay ở các mặt nhà và trực tiếp đập vào mắt người nhìn, nhưng trường hợp khác thì lại không biểu hiện bằng hình thức mà ở nguyên lý và ở giải pháp kiến trúc. Sự khai thác và nâng cao tính dân tộc về cả nội dung lẫn hình thức trong lúc sáng tác, cần được xem như là một phương tiện để thỏa mãn tính hiện đại của công trình, vì thế mà hơi thở của tính dân tộc mới có mặt được trong tất cả các công trình, cho dù ở đó sử dụng những kết cấu hiện đại nhất.
Bản thân tính dân tộc trong nghệ thuật là một thứ quy luật về phản ánh cuộc sống, vì thế mà nó được gắn liên với các điều kiện khách quan đồng thời cũng gắn liền với lý tưởng chủ quan của người sáng tác. Chỉ khi nào kiến trúc sư với nhiệt tình và tay nghề tốt, làm chủ được sáng tác của mình, hòa được cùng với nguyện vọng và cảm xúc chung của dân tộc thì sáng tác mới thực có hồn và đạt tới phong cách gần gũi. Sự gần gũi ở đây – trong một công trình trước hết phải ở chiều sâu, người xem bắt gặp nó trước hết ở sự đồng cảm chứ không phải là sự phát hiện ngay được ở đó một chi tiết gì cụ thể đã quen thuộc.
Hai mặt hiện đại và dân tộc không phải là hai cán cân để giữ thăng bằng cho người sáng tác, mà trong cái nọ phải có hình ảnh của cái kia, ngay từ những ý ban đầu cho đến lúc hoàn thành các chi tiết. Nếu sáng tác theo cách cứ vẽ cho thật hiện đại xong rồi mới thêm vao một số chi tiết, gắn vào một ít mô – típ quen thuộc, thì đó là một cách làm không phù hợp với nội dung của tính dân tộc và hiện đại trong kiến trúc.
Từ những nhận thức chưa đúng, hoặc cách làm tùy tiện, thậm chí có lúc vì một thị hiếu lệch lạc, công trình của ta được xây dựng lên, cho dù có to lớn, phức tạp và “mới mẻ” hơn, nhưng xét cho cùng, những sai phạm của nó cũng đồng dạng với những hình thức tầm thường nhan nhản ở nhiều nơi, như loại nhà với những trang trí tia mặt trời, những ô trám chồng nhau, những lỗ hoa hình rồng rắn hay chữ phúc, chữ thọ gì đó, mảnh dẻ, ngoằn ngoèo, thứ gì cũng có, chỉ thiếu tính dân tộc!
Thái độ đi tìm những cái khác lạ đơn thuần, lai căng và chịu làm nô lệ cho cái “mới” so với thái độ bảo thủ phục cố cũng đều là tư tưởng chạy theo hình thức, tách rời với thực tiễn sinh động, với lợi ích và hạnh phúc của con người.
Chúng ta đặt hy vọng rất lớn, trong khu vực kiến trúc nông thôn, những đặc tính về dân tộc sẽ được biểu hiện nhiều màu sắc hơn bất kỳ ở đâu, cái đa dạng của từng vùng đất nước sẽ lại được biểu hiện cô đọng hơn, nhưng lại phong phú hơn trong những khu dân cư mới đang hàng ngày, hàng giờ phát triển với một tốc độ cực kỳ nhanh. Tất nhiên sự nỗ lực sẽ phải là của nhiều ngành, nhiều cấp, nhưng trong đó các kiến trúc sư có một trách nhiệm vô cùng to lớn.
Chúng ta cũng cần có những biện pháp tích cực để không những trong đội ngũ chúng ta, mà trong cả quần chúng rộng rãi, có được những nhận thức nhất định về kiến trúc, dần dần xây dựng nên một sự thống nhất cần thiết về quan niệm và hình thành một thị hiếu thẩm mỹ kiến trúc đúng đắn.
Mặt khác sinh hoạt con người lại là một hiện tượng xã hội thường bao hàm những cái gì bảo thủ nhất (vì vậy mà kiến trúc còn mang trách nhiệm tổ chức và xây dựng những điều kiện sống của con người cho phù hợp với ngày nay và tương lai. Từ phương thức sản xuất, phương thức quản lý, khả năng cải tạo thiên nhiên, quan hệ xã hội, quan hệ gia đình) yêu cầu về học tạp, thưởng thức, giải trí v.v… ngày một đòi hỏi có sự thay đổi, chưa nói đến việc xuất hiện những cấu tạo mới, vật liệu mới… Như vậy, trước hết nội dung kiến trúc đã có những phần phải gạt bỏ, đổi mới và bổ sung, bên cạnh đó, thì những đặc thù khác cứ tồn tại lâu dài, bền vững như đất trời và cốt cách của con người Việt Nam.
Trong những điều kiện thiên nhiên giống nhau, các dân tộc có thể có những giải pháp đấu tranh và khai thác giống nhau, nhưng ý thích, tình cảm và thói quen của họ lại mang những nét khác biệt. Đó là lẽ tại sao ta không thể chỉ khai thác riêng về yếu tố tự nhiên và khí hậu là đủ. Và rồi đến hình thức, đến lượt nó cũng phải bỏ đi cái lỗi thời, sáng tạo cái mới, tiếp thu những mặt tốt đẹp từ bên ngoài v.v… Tuy nhiên tại đây lại có một sự ngưng đọng thú vị, tham chí có lúc một số những nội dung đã không còn dùng nữa, mà hình thức cũ đi theo nó vẫn cứ để lại cho người ta những suy tưởng, những cảm giác đậm đà của cội nguồn, có lúc trân trọng như một kỷ niệm. Và cũng về sự trân trọng đó, mà người ta lại biến đổi, lại sáng tạo, bắt hình thức phải nâng cao dần.
Như vậy là tính hiện đại và tính dân tộc được biểu hiện ở công trình kiến trúc ở mặt nội dung và mặt hình thức, ăn khớp và bổ sung cho nhau. Tuy nhiên trong những loại công trình có tính chất khác nhau thì khả năng biểu hiện của chúng cũng khác nhau. Ta vẽ một nhà máy điện, một bệnh viện, hầu như ta quan niệm rằng cần coi trọng mặt hiện tại mà ít chú ý mặt dân tộc, khác với khi ta vẽ một ngôi nhà ở, một bảo tàng. Nguyên nhân hình thành những quan niệm ấy là ở chỗ (trong vốn kiến trúc truyền thông đã không thể có được những kiến trúc công nghiệp, những kiến trúc bệnh viện, kể cả hàng loạt kiến trúc công cộng khác, với chức năng phong phú đa dạng như ngày nay. Trong trường hợp đó sự có mặt của các loại hình nghệ thuật hỗ trợ ở một mức độ cần thiết nào đó cũng sẽ góp phần tạo được màu sắc riêng. Sự tìm tòi của chúng ta vì vậy mà khó khăn hơn, đặc biệt trong những điều kiện phát triển của kỹ thuật hiện nay, đã có khả năng tác động đến yếu tố khí hậu, điều kiện sinh hoạt giữa các dân tộc dần dần giảm bớt sự chênh lệch và hình thành những ý thích giống nhau và trên cơ sở đó nảy nở một số những cái chung về mặt thẩm mỹ, mặt tâm lý…
Không mấy dân tộc trên thế giới từ trước đây không thích chạm khắc, cũng không có dân tộc nào từ thuở ban đầu đã làm nhà với mái bằng. Thế là trong quá trình đổi mới chỗ ở của mình, con người đã tự thay đổi, học tập dân tộc khác, tạo ra những hình thức xây dựng phù hợp hơn. Ngày nay, chúng ta sáng tác một ngôi nhà, một cổng chào, một đài kỷ niệm, muốn cho có tính dân tộc thì gắng lợp lên trên cái mái! Chẳng qua đây chỉ mới là một cách giải quyết, nhưng thường cách giải quyết ấy không mất mấy công tìm tòi, còn thành công hay không thì lại còn ở những chỗ khác! Ngược lại, có anh chị em chúng ta, khi phải thiết kế công trình mới, mà yêu cầu phải làm bằng mái ngói thì coi như gặp một việc chẳng may, cho rằng không còn cơ hội để làm tốt được nữa. Xét cho cùng, mái lợp thế nào là do yêu cầu chung của khung cảnh và tổng thể kiến trúc, yêu cầu ở bản thân khối tích công trình và sự lương quan của nó với những công trình khác.
Bên cạnh những biến động lớn trong quá trình phát triển của kiến trúc và những cố gắng để giữ gìn và khai thác hình thức dân tộc, chúng ta thấy càng cần phải quan tâm sử dụng các kiến trúc nhỏ. Chúng ta phải có được những thiết kế và những quán, sách báo, quán trú mưa, nhà nghỉ chân, dàn hoa, lan can, ghế ngoài trời, hàng rào, đèn chiếu sáng, chỗ quảng cáo v.v… Thật đậm đà màu sắc dân tộc, vật đặt đúng chỗ, để góp phần tô điểm và tạo ra những không gian nhỏ hơn trong cái bao quát của không gian tổng thể. Mặt khác trên toàn bộ đất nước ta, kiến trúc phong cảnh phải có một chỗ đứng xứng đáng. Với thứ chất liệu thiên nhiên: Giống cây, địa thế, mặt nước, cấu trúc: người kiến trúc sư phong cảnh thật sự là một chuyên gia vận dụng chiếc bảng pha màu to lớn trong tay với sự muôn vẻ của tư liệu cây xanh và nghệ thuật kiến trúc phong cảnh, giải quyết cái phức tạp của loại vật liệu luôn ở trong tình trạng phát triển không ngừng, cũng như phải tạo ra được những sự phối kết đổi thay cùng với thời gian… Lĩnh vực hoạt động của kiến trúc phong cảnh có thể là trong một phạm vi rất hẹp, phải trước một ngôi nhà, một khoảng xanh nho nhỏ, nhưng cũng có thể tham dự vào những vùng ngoại ô, khu công nghiệp, đất đai giao thông, vùng nghỉ ngơi mở rộng cho đến suốt chiều dài của đất nước.
Một điều đáng tiếc ở ta hiện nay là vấn đề tổng hợp nghệ thuật trong kiến trúc. Kiến trúc hiện đại ngày nay ở nước nào cũng vậy rất coi trọng vấn đề trang trí bằng điêu khắc, các loại tranh tương trong và ngoài nhà, cũng như nghệ thuật trang trí nội thất v.v… góp phần gây những ấn tượng mạnh mẽ, có khả năng đem lại màu sắc riêng và chủ đề rõ nét, tăng giá trị của công trình lên rất nhiều. Việc đó ông cha ta ngày xưa đã rất coi trọng, không một công trình đẹp nào trước đây lại không có chạm khắc, lại không gắn một cách tài tình với thiên nhiên, với cây to, mặt nước, ít ra cũng với những khóm hoa, cây cảnh giản dị ấm áp mà nên thơ… Chưa nói đến cái sập, cái án thư, cái chõng tre v.v… bao giờ cũng đạt đến mức độ tương xứng kỳ lạ! Nhưng đáng tiếc là trong những công trình chúng ta làm hiện nay, điều kiện để thực hiện những vấn đề đó lại thật khó khăn. Nhà xây đã xong lâu rồi, nhưng vị trí treo tranh đặt tượng vẫn cứ chờ ở đó, việc thống nhất đề tài, chọn mẫu, thanh toán tiền nong, thể hiện v.v… Khó đến nỗi, nhà vẫn cứ xây, cứ dùng, những người sáng tác tranh tượng mang tác phẩm của mình được nhiều người thưởng thức thì vẫn chỉ có thể bày được ở phòng triển lãm, thậm chí có trường hợp tượng đã thiết kế và đang khởi công thực hiện nhưng chỉ vì một thủ trưởng sợ làm ra lại có người nói ra kẻ nói vào, không làm là ổn nhất! thế là dọn khuôn, hạ giàn giáo, và rốt cuộc chúng ta có quá ít cái để xem, để thưởng thức, để học tập. Thiết kế đã vậy, lại còn thi công nữa. Nếu phải nhìn những mảng tường được thể hiện mấp mô xiên vẹo, những giờ chỉ uốn lượn thì thật nhiều khổ tâm, chưa kể những chỗ khác không làm, hoặc làm không theo thiết kế! Vấn đề đơn giản như thế, nhưng trên một mức độ nhất định đã hạn chế một phần sức sáng tạo của người thiết kế, ít ra thì cũng gây tâm lý chán nản qua chuyện.
Thiết kế kiến trúc là công tác sáng tạo và tác giả phải có trách nhiệm cá nhân rất cao. Nếu công trình vẽ ra mà nhất nhất phải theo ý một người phụ trách, thậm chí nhiều người phụ trách, hoặc có bản vẽ, có thiết kế và không ai nhận là tác giả thì rõ ràng là xấu, cả đến năng suất và thời gian hoàn thành khó chắc đã đạt, nói gì đến vươn tới được tính hiện đại cao và tính dân tộc phong phú! Dĩ nhiên đã là đồ án được xây dựng thì phải theo đúng những quy định, những phương hướng được chỉ đạo và cần thiết phải được xét chọn tốt trước lúc xây dựng.
Nhiều người cho rằng thiết kế thể hiện tính hiện đại thì dễ, chứ thể hiện tính dân tộc thì gay lắm! Thật ra thì mặt nào cũng khó. Nhưng đúng là khi người kiến trúc sư với một thế giới quan đúng đắn, có một vốn kiến thức đầy đủ và một tinh thần lao động nghiêm túc, cùng với những đồng nghiệp chuyên môn khác đã có thể sáng tạo công trình với tính hiện đại. Còn để cho công trình được màu sắc dân tộc thì cùng với những yêu cầu trên, người sáng tác còn phải có những cố gắng xâm nhập cuộc sống thực sự, cảm xúc thực sự. Chỉ có thể bằng tất cả lòng yêu nước và nhiệt tình của mình, tâm hồn của mình, mới đón nhận được những dáng hình sinh động của quá khứ dân tộc. Hơn thế nữa, anh em bè bạn nước ngoài cũng chỉ giúp cho công trình của ta thêm hiện đại, chứ chẳng ai giúp ta phát huy tính dân tộc tốt được. Học tập nước ngoài, có chăng chỉ là học cái phương pháp, cái quan niệm của họ được thôi. Một lần làm việc với một số kiến trúc sư nước ngoài, yêu cầu chúng tôi góp ý về công trình họ thiết kế cho hợp với Việt Nam. Riêng mặt chính thì có vài giải pháp, bạn tỏ ra hài lòng vì cái vẻ “rất Á Đông” của nó! Thật là khó nghĩ; chúng tôi đành phải yêu cầu bạn hãy thiết kế sao cho hiện đại nhất như ở bên châu Âu của bạn vậy thôi! Không thỏa mãn! Nhưng dễ chấp nhận hơn cả. Cái àm chúng ta muốn là sự gắn bó thật sự của tính hiện đại và tính dân tộc, được quán xuyến trong suốt cả đồ án.
Trên con đường tìm tòi và khai thác kiến trúc dân tộc nhất định và có nhiều khó khăn. Duy có một điều rất tự nhiên là hình thái phản ánh này bao giờ cũng tích tụ và ngưng đọng trong mỗi một con người từ những thuở còn niên thiếu và rồi sau đó cứ được bộc lộ ra vừa tự phát vừa tự giác. Cũng vì thế mà phần lớn người châu Âu khi vẽ công trình cho ta, dù cố gắng cho phù hợp, nhưng công trình rồi vẫn cứ đặc “châu Âu” về cả nội dung lần hình thức và rồi trước môi công trình như vậy, chúng ta không khỏi có những suy nghĩ, bàn tán; nào là cái mái, cái hiên, bố trí khối phục vụ, những ô cửa v.v… Giá mà… Lẽ ra…, nếu mình giải quyết thì… một loạt những ý kiến, và là những ý kiến đúng đắn thực sự! Phải chăng đây là những đòi hỏi cho một công trình hiện đại phải gần gũi và thể hiện những mong muốn có tính chất truyền thống của chúng ta? Và thế là vô tình chúng ta đang nghiên cứu đến vấn đề kiến trúc dân tộc! Đương nhiên để có được kết quả tốt đẹp, cần thiết phải có một quá trình tích lũy công phu và đầy sáng tạo. Trong thực tế phức tạp và cấp bách của xây dựng lại đất nước, chúng ta sẽ thấy không ít những công trình nghiên cứu chưa tốt vẫn đưa vào thực hiện. Trách nhiệm của chúng ta là phải hạn chế những điều đó. Dân tộc ta, đất nước ta có được như ngày nay là nhờ cả quá trình đấu tranh và gìn giữ bền bỉ gan góc trước tự nhiên, trước giặc ngoại xâm. Kẻ thù nào chẳng muốn nô dịch chúng ta, đồng hóa chúng ta, chiếm đoạt và phá hoại những giá trị vật chất và tinh thần của chúng ta, vì thế mà cả đến xương máu mình chúng ta cũng chẳng tiếc, lẽ nào trong những di sản tốt đẹp về kiến trúc, ta lại không gắng sức mình và khai thác và phát triển. Hơn thế nữa, nếu không làm được việc đó thì làm sao dân tộc chúng ta có thể đóng góp tốt được cho kho tàng kiến trúc của cả nhân loại? Thực tế dần sẽ trả lời cho những tìm tòi của chúng ta. Tuy nhiên việc xây dựng không cho phép ta suy nghĩ gì thì làm ngay thực nghiệm. Vì vậy cùng với những lao động liên tục trên bản vẽ và ngoài công trường, mỗi người phải tự trang bị cho mình những lý luận kiến thức và kinh nghiệm nhất định, để rồi làm việc với một tinh thần say mê làm chủ thực sự, cầu thị thực sự. Có học tập một cách sáng tạo thì mới làm chủ được vốn dân tộc, và do đó cũng mới tiếp thu tốt được tinh hoa muôn vẻ từ bên ngoài; và lúc đó chính chúng ta mới có được sự tự do trong sáng tác.
Có lẽ chẳng bao giờ có một giáo trình dạy ta khai thác thế nào, áp dụng các giải pháp, các chi tiết, hay mô phỏng như thế nào thì thành công cho một công trình về tính dân tộc. Chỉ có dưới ánh sáng chung của đường lối văn nghệ của Đảng, với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đầy sức sống, vạch cho chúng ta, những người làm công tác lý luận cũng như trực tiếp sáng tác những công việc cần phải làm.
Trách nhiệm của chúng ta không phải chỉ đối với một công trình nào và đối với cả một nền kiến trúc Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa. Một nền kiến trúc cũng phải xứng đáng với tầm vóc dân tộc của nó.
Cùng với những đồng nghiệp đã cao tuổi, đã có một thời gian dài suy tư và thể nghiệm, ngày nay đội ngũ anh chị em chúng ta đã đông đảo đa dạng. Cho dù những bước đi ban đầu còn lúng túng, vụng về na ná giống nhau, nhưng với thời gian, như những quả cây khác nhau rồi sẽ sang độ chín, lúc đó mùi hương sẽ phong phú và riêng biệt hơn nhiều.
©
2024 Grid of Vietnamese Modernism